Tụ điều hòa là bộ phận quan trọng giúp cho điều hòa có thể hoạt động hiệu quả. Tụ điều hòa hư sẽ khiến cho công suất làm việc của thiết bị giảm sút và tốn kém chi phí thay sửa. Vậy làm thế nào để nhận biết tụ điều hòa bị hỏng? Và phải sử dụng điều hòa như thế nào để có thể kéo dài tuổi thọ của tụ điều hòa, hạn chế tình trạng hư hỏng?
Dấu hiệu nhận biết tụ điều hòa bị hỏng
Khi nhìn bằng mắt, bạn sẽ khó nhận biết được tụ điều hòa bị hỏng, vì thông thường các linh kiện này được hàn kín bên trong cục nóng. Chính vì vậy, bạn có thể nhận biết tụ bị hỏng dựa vào một số dấu hiệu phổ biến như:
- Máy nén bên trong cục nóng phát ra tiếng “è è” hoặc không hoạt động.
- Không cảm thấy lạnh khi bật điều hòa.
- Điều hòa bị rò điện.
- Bị cháy tụ.
Các bước thay tụ điều hòa đúng cách
Khi phát hiện tụ điều hòa bị hỏng, bạn có thể thực hiện việc thay tụ điện như sau:
Lưu ý:
- Cần ngắt điện thiết bị để đảm bảo an toàn về điện trong suốt quá trình thao tác.
- Chọn mua tụ điện thay thế phù hợp. Bạn có thể tháo vỏ máy cục nóng rồi quan sát phần tụ điện nằm gần máy nén để chọn mua tụ điện mới giống vậy.
Cách đấu tụ điều hòa 2 chân
Bước 1: Bạn cần xác định bộ phận chân chung, chân chạy và chân đề trên block máy (máy nén).
Bước 2: Với chân chung của block, bạn cắm vào 1 chân của cầu nối cục nóng.
Bước 3: Với chân chạy và chân đề của block, bạn cắm mỗi dây vào 1 chân của tụ điều hòa.
Bước 4: Lấy 1 dây nguồn còn lại ở cầu nối cục nóng cắm vào chung với chân chạy của block nằm ở tụ.
Cách đấu tụ điều hòa 3 chân
Bước 1: Hiểu rõ ký hiệu trên tụ điều hòa 3 chân, rồi bạn thực hiện cách đấu như sau:
- Heat: cắm chân đề của block.
- C: cắm chân chạy của block và chân chạy của quạt rồi cắm thêm với 1 nguồn từ cầu nối đưa lên.
- Fan: cắm chân đề của quạt.
Bước 2: Ở phần chân chung của quạt và chân chung của máy block, thì bạn sẽ cắm với nguồn còn lại ở cầu nối cục nóng và mặt lạnh.
Điều gì có thể khiến tụ điều hòa bị hỏng?
Nhiệt độ quá nóng
Nhiệt độ xung quanh quá nóng hoặc đặt cục nóng ở vị trí không thích hợp cũng là nguyên nhân khiến cho tụ điện dễ bị hư cũng như làm cho máy nén hoạt động kém công suất.
Nguồn điện không ổn định
Nguồn điện không ổn định cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến cho tụ điện dễ bị hỏng, từ đó làm cho thiết bị hoạt động thiếu ổn định và ảnh hưởng đến hiệu quả làm mát của thiết bị.
Ngoài ra, việc sử dụng nguồn điện thiếu ổn định lâu ngày sẽ khiến cho tuổi thọ của thiết bị giảm đi đáng kể.
Hoạt động quá công suất
Khi bạn sử dụng điều hòa thường xuyên để phục vụ cho nhu cầu làm mát hoặc sưởi ấm thì nhiệt độ bên trong điều hòa sẽ có xu hướng tăng cao, làm ảnh hưởng đến các linh kiện bên trong dàn lạnh lẫn dàn nóng, nhất là khi bạn sử dụng điều hòa vào những ngày trời oi bức.
Nhìn chung, thói quen sử dụng điều hòa quá công suất thường là:
- Điều chỉnh điều hòa chạy ở nhiệt độ thấp (dưới 20 độ C) trong khoảng thời gian dài, liên tục.
- Sử dụng điều hòa 24/7.
- Lắp đặt điều hòa ở khu vực có nhiệt độ cao mà không có vật dụng bảo vệ, như ánh nắng chiếu trực tiếp.
Làm sao để hạn chế tình trạng hư tụ điều hòa
Để giảm thiểu tình trạng hư tụ điều hòa trong suốt quá trình sử dụng điều hòa để làm mát hoặc sưởi ấm, thì bạn có thể áp dụng một số giải pháp sau:
- Nên vệ sinh điều hòa định kỳ, khoảng 6 – 9 tháng/lần (với trường hợp sử dụng điều hòa 2 – 3 ngày/tuần), hoặc 3 – 4 tháng/lần (với trường hợp sử dụng điều hòa 4 – 6 ngày/tuần) để kịp thời phát hiện những linh kiện, bộ phận bị hỏng của điều hòa.
- Nên chọn công suất điều hòa lớn hơn khoảng 30% so với nhu cầu sử dụng hiện tại, điều này sẽ tránh được tình trạng thiết bị hoạt động quá công suất, duy trì ở mức 50 – 70% công suất hoạt động tối đa.
- Chọn vị trí lắp đặt dàn lạnh và dàn nóng của điều hòa phù hợp, vừa đảm bảo hiệu quả làm mát vừa tránh cho tụ điện bên trong không bị hỏng do làm việc quá sức hoặc gặp nhiệt độ môi trường bên ngoài cao.
- Thường xuyên để ý sự hoạt động của điều hòa để nhận biết các dấu hiệu bất thường của thiết bị, từ đó kiểm tra và khắc phục sự cố nhanh chóng để tránh không làm cho thiết bị dễ bị hỏng, gây tốn kém chi phí sửa chữa hoặc thay thế cái mới.